chòi ngắm sóng

Month: November, 2010

Lời thầy dạy

Trong một xã hội ưa trọng hình thức và vật chất, chính bạn là một bông sen mọc lên từ đầm lầy, bình thản nở và tàn mà không bị ảnh hưởng bởi những cám dỗ, những nghi kị và phán xét từ bất kì ai, ở bất kì đâu.

Nói với trẻ em

Những lời động viên với trẻ em có ý nghĩa hơn nhiều những lời trách mắng, điều đó ai cũng biết nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng cư xử một cách đúng đắn. Tôi nghe xung quanh tôi có những tiếng mắng nhiếc trẻ nhỏ, có những lời quở trách sao thật nặng nề… Bố mẹ quát mắng con cái, thầy cô giáo chỉ trích học trò, các anh chị tình nguyện viên đến trường nói chuyện với các em học sinh mà giữ tâm hồn bó hẹp, nói những lời phê bình, phán xét…

Chỉ một câu nói trách mắng “Sao mày ngốc thế ?!”, “Em rất là hư ! ” … cũng có thể khiến cho đứa bé bị ám ảnh bởi sự phán xét của người lớn. Trong quá trình lớn lên, những đứa trẻ đó luôn nghĩ mình kém cỏi và hư đốn thực sự, từ đó trong chúng nảy sinh sự buông thả, không hi vọng gì về khả năng thay đổi bản thân của chính mình.

Ngược lại, chỉ một câu nói “Con là một em bé rất ngoan”,” Em có thể trở thành một người rất giỏi” lại có thể là những tia sáng soi rọi tâm trí cho trẻ nhỏ trên quãng đường hình thành nhân cách. Trong những giây phút trẻ em gặp trở ngại và cám dỗ thì dù chỉ một câu nói động viên mà chúng nhận được từ rất lâu rồi cũng sẽ trở thành nguồn ánh sáng dẫn đường thật vui vẻ và tràn ngập hi vọng.

Phân biệt các nòi chim bồ câu thường gặp

Có 3 nòi bồ câu thường gặp trong thành phố:

1. Nòi Columba Palumbus ( Tên thường gọi:  Common Wood pigeon, Culver, Pigeon Ramier, …) là nòi bồ câu có kích thước lớn nhất. Phân bố trên toàn châu Á và châu Âu.
Phân biệt: Trên cánh có hai khoanh trắng vòng cung rất nổi bật. Cá thể trưởng thành còn có thêm đốm trắng trên cổ. Tiếng kêu tou-COU-wou-wou



2. Nòi Columba Livia ( Tên thường gọi: Rock Pigeon – Rock Dove, Pigeon Biset,…)là tổ tiên của bồ câu nuôi hiện nay, sinh sống trên 4 châu lục. Nòi Livia có cổ màu xanh và tía, trên cánh có hai vạch đen dài, phần cuối thân trên có khoang trắng lớn dễ nhận biết. Tiếng kêu Druouu-uu chậm rãi.


3. Nòi Columba Oenas ( Tên thường gọi: Stock Pigeon – Stock Dove, Pigeon Colombin,…) bé nhất trong các nòi bồ câu ở châu Âu. Trên cánh có hai vạch đen rất ngắn. Sinh sống ở châu Á, châu Âu và Bắc Phi. Tiếng kêu Hou-wou ồm ồm.

Thầy

Cây Ginkgo

Phần lớn thông tin bạn có thể đọc ở wiki rồi. Ở đây chỉ nói về mấy thứ vui vui ít ngờ đến nhé.

1. Ginkgo là loài cây đơn tính khác gốc, tức là có cây “đực” và cây “cái”. Cây đực thường cao và thẳng trong khi các cây cái có xu hướng trải rộng các tán lá.

2. Ginkgo xuất hiện tầm 270 triệu năm trước ( trước khi khủng long xuất hiện khoảng 40 triệu năm)

Những cây Ginkgo lớn nhất cao khoảng 40 mét và đã sống được chừng 4000 năm, hiện những cụ ông, cụ bà này đang sống ở rừng sâu Chiết Giang, Trung Quốc.

 

3. Loài cây này được biết đến nhờ khả năng tồn tại đáng kinh ngạc.
Sau vụ nổ bom nguyên tử ở Hiroshima, 300 nghìn người chết và bị thương, những toà nhà sụp đổ, cây cối cháy rụi và điêu tàn… Người dân nói: “Này, chẳng còn gì có thể mọc lên được nữa, đất đai bị nhiễm độc quá rồi.” Nhưng ngay mùa xuân sau đó, trên cây Ginkgo già cỗi tưởng đã cháy trụi, lại mọc lên những chồi lá đầu tiên của vùng đất từ sau vụ nổ bom kinh hoàng.
Người Nhật Bản coi Ginkgo tượng trưng cho lòng hi vọng. Họ trồng Ginkgo ở nhiều nơi trên khắp đất nước. Lá cây Gingko đã trở thành biểu tượng của thành phố Tokyo.

Người Nhật gọi tên loài cây này là Icho

 

 

4. Nhưng không chỉ ở Nhật Bản, mà hiện nay, càng ngày càng có nhiều “siêu đô thị” nhân trồng loài cây này.

Ginkgo có khả năng chống chịu, sinh tồn trong môi trường ô nhiễm và cải thiện tình hình sinh thái ở khu vực đó. Một điều thú vị là ở Manhattan – New York, Ginkgo chắc chắn là loài cây phổ biến nhất. Mỗi khi có một cây loài khác chết đi, tức khắc người ta sẽ thế vào đó bằng một cây Ginkgo.

5. Người Trung Hoa xưa đã có thói quen ép lá Ginkgo vào trong sách.

Khoa học ghi nhận rằng hầu như không có loài sâu bọ, nấm mốc nào tấn công cây Ginkgo. Bởi vậy, bằng cách ép những lá cây Ginkgo vào trong sách, người Trung Hoa bảo vệ sách không bị mối mọt phá hoại.

6. Tên gọi từ một sự nhầm lẫn.

Engelbert Kaempfer – bác sĩ, nhà du hành người Đức, khi ghi chép tên loài cây này trong chuyến đi của ông đến Trung Quốc, đã viết Ginkyo thành Ginkgo. Thế là từ sự viết không rõ ràng chữ y thành chữ g, cây Ginkyo đã mang một cái tên khác, và cái tên kì lạ khó phát âm này vẫn được giữ cho đến tận bây giờ.

Làm gì khi mèo mẹ không ăn nhau thai cho mèo con mới sinh ?

Thì bạn sẽ là người cắt nhau thai cho bọn mèo con.  :D

Có một số giống mèo bị mất tập tính cắn đứt dây rốn và ăn nhau thai cho mèo con mới sinh (điển hình là mèo Ba Tư , mèo Nga và các giống mèo “cảnh”). Khi ấy, nếu không thể liên lạc với bác sĩ, bạn hãy giữ bình tĩnh và làm theo các bước sau:

1. Để tránh sự xuất huyết khi cắt bỏ nhau thai, dùng một đoạn dây, buộc dây rốn của mèo con lại, cách bụng chừng 2 cm.
2. Cắt bỏ phần nhau thai phía ngoài nút thắt.

Mèo con sau đó chưa bú sữa mẹ ngay, bạn đừng lo, vì trước đó chúng vẫn dùng chất dinh dưỡng có trong nhau thai mà đợi mãi mèo mẹ không cắt đi cho.

Những bà goá phụ đen

Có bao giờ bạn tự hỏi, con nhện to đùng mà bạn nhìn thấy, là nhện đực hay nhện cái không ?
Thường thì nhện cái có kích thước lớn hơn nhện đực cùng loài. Nguyên nhân do: các anh nhện đực sau khi gặp nhện cái và làm nhiệm vụ duy trì nòi giống xong thì sẽ bị ăn thịt bởi chính bạn tình. Nhện cái ăn thịt nhện đực để lấy sức đẻ trứng. Vì tập tính này mà các nhà khoa học còn gọi nhện cái là bà goá phụ đen
Không dừng ở đó, sau khi đẻ trứng và mang trứng trên mình (trong khoảng thời gian vài tuần hay vài tháng tuỳ theo loài), nhện mẹ còn ăn thịt cả những con non nếu chúng không nhanh chân chạy thoát.

Tại sao mèo hay gặm, cắn nhẹ tay chủ khi nó được vuốt ve?

Nhiều người đang vuốt ve mèo thì thấy nó cắn vào tay mình, nghĩ rằng mèo hư. Nhưng không phải thế, đấy là cách để mèo lưu giữ mùi hương của nó trên tay người nó yêu thương. Thế nên đừng phũ phàng và đuổi nó đi chỗ khác nhé !

Tự do

Khi có người muốn ràng buộc bạn và ngăn cản bạn được tự do, thì bạn đừng nên buồn, giận họ. Sự hoang tưởng rằng có thể bó buộc người khác để phục vụ cho lợi ích của bản thân khiến chính họ mới là những người đáng thương đang bị mất tự do.

Mê tín, cực đoan

Ta làm những gì ta tin là hợp với lẽ tự nhiên, chứ không phải làm theo ý của ông thầy bói toán hay bất kì ai khác, dù người đó có là thần, là thánh.
Nếu thành công, vui rằng đã thành công trên con đường mình chọn, chứ không phải con đường của người khác.
Nếu vấp ngã, mừng rằng đã vấp ngã trên con đường của mình, chứ không ngã trên con đường của người khác.